Chọn Trường Trung Học Phổ Thông Mỹ: Thông Số Quan Trọng Cần Biết

Nhu cầu du học từ bậc trung phổ thông (THPT) học Mỹ hiện nay đang tăng dần. Nhiều năm qua, tôi nhận thấy phần lớn các phụ huynh (PH) tìm kiếm trường thông qua các công ty tư vấn du học (Agent). Việc chọn trường phải đặt trong mục tiệu, chiến lược tiếp theo ở bậc đại học (hoặc cao hơn). Nói cho dễ hiểu, con mình chọn trường chuyên Amsterdam, hay trường công tốp đầu Cầu Giấy (Hà Nội) hay trường chuyên Lê Hồng Phòng, trường công tốp đầu Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) có ảnh hưởng khá lớn để con em mình nộp đơn vào các trường đại học lớn của Việt Nam (PH có thể tham khảo bài viết Du học bậc PTTH Mỹ: nên hay không nên?

Trong bài viết này, tôi muốn cung cấp các thông số định lượng quan trọng để tăng sự hiểu biết cho các PH/HS, giúp mọi người có đủ thông tin trước khi ra quyết định cuối cùng (chốt chọn, ký hợp đồng và đặt cọc). “Món hàng” này có ảnh hưởng lớn đến chiến lược lâu dài, tầm nhìn tương lai cả đời con mình, vì vậy rất mong các bạn sớm thành người “mua hàng” thông minh bậc nhất.

Có 3 hạng mục chính, PH/HS cần biết rõ, đó là: học thuật; vị trí (đặt trường) và tài chính, hỗ trợ tài chính (hoặc học bổng). Tôi sẽ liệt kê chi tiết từng phần chi tiết bên trong mỗi hạng mục nhằm giúp PH/HS dễ dàng tìm kiếm/ tìm hiểu thông tin và làm phép so sánh:

1. HỌC THUẬT:

Hạng mục này vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến 90% kết quả và mục tiêu của HS nộp đơn vào trường đại học TOP. Bạn cũng dể dàng nhận thấy, số lượng HS 2 trường Amsterdam, PT năng khiếu (Hà Nội) và Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, PT năng khiếu (TP.HCM) tiến vào các đại học TOP tại Mỹ đông hơn rất nhiều trường khác. Thật kỳ lạ, tôi cũng nhận các các học sinh từ các trường quốc tế đắt đỏ ở Sài Gòn hay Hà Nội đỗ vào TOP 50 trường công tại Mỹ khá khiêm tốn (phần lớn đỗ vào ĐH tư đắt đỏ). Có lẽ do sự cạnh tranh và mức học phí trường ĐH công chỉ bằng 50-60% trường ĐH tư nên các bạn khó chen cân vào sao?.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng: tiêu chí chọn trường phổ thông có chất lượng cao về học thuật (Mỹ) sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng hồ sơ năng lực học sinh để nộp đơn vào đại học TOP Mỹ. Xin liệt kê các mục lục sau (mục lục này có tham khảo từ trang Niche và US. New Report):

  1. Xếp hạng tổng quát
  2. Xếp hạng về học thuật
  3. Xếp hạng về giáo viên
  4. Xếp hạng về dự bị ĐH
  5. Năm trường được thành lập
  6. Loại hình trường/ hoặc tôn giáo
  7. Loại hình sắp đặt lưu trú, ăn ở cho DHS
  8. Hạn chót nộp hồ sơ tuyển sinh
  9. SL CLB/ Hoạt động ngoại khóa
  10. SL HS toàn trường (K-12 hay 9-12…)
  11. Tỷ lệ Giáo viên/Học sinh
  12. Tỷ lệ HS nội trú/ boarding
  13. Tỷ lệ du học sinh
  14. Điểm trung bình SAT/ ACT
  15. Số lượng các môn AP hiện có
  16. Xếp hạng trường công/ tư tốt nhất trong bang
  17. SL HS đỗ vào ĐH TOP 30
  18. SL HS đỗ vào ĐH TOP 50

2. VỊ TRÍ:

Vai trò của “vị trí” có ảnh hưởng đến yếu tố “xây dựng hồ sơ năng lực” một phần, nhưng nó không có tính tiên quyết. Ví dụ như, cũng trường hạng A ở Virginia (Miền Đông), độ khó về học thuật hay chất lượng giảng dạy khác xa với trường cùng hạng ở bang Oklahoma (Miền Nam). Cũng như vậy, ta thấy chất lượng truyền chuyên ở Hà Nội và TP.HCM khác xa với trường chuyên các tỉnh thành khác. Từ đó, bạn sẽ nhận thức yếu tố địa lý có thể giúp bạn có cái nhìn toàn diện trong xếp hạng học thuật từng trường theo từng bang/ khu vực

Yếu tố địa lý giúp bạn dễ dàng nhận được nhiều thông tin tư vấn tuyển sinh trực tiếp từ các đại học trong khu vực. Giáo viên của bạn cũng có khá nhiều người học từ các trường này ra để giảng dạy và họ am hiểu về đại học đó nhiều hơn. Ngoài ra, bạn có thể viếng thăm các đại học học trong bang. Đôi khi bộ phận tuyển sinh trường đại học vực sẽ chú ý hơn với hồ sơ HS tốt nghiệp từ các trường TH trong khu vực

  1. Địa điểm đặt trường/ city/ bang
  2. Dân số khu vực đặt trường/ city
  3. Sân bay quốc tế gần nhất
  4. SL và tên trường ĐH đặt gần trường (bán kính 100 miles)
  5. SL và tên trường ĐH TOP 30 đặt tại bang
  6. SL và tên trường ĐH TOP 50 đặt tại bang
  7. SL và tên trường ĐH TOP 100 đặt tại bang

3. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH VÀ HỌC BỔNG

Chi phí/ tài chính, tức là tổng mức phí mà PH/HS chi trả cho một năm học (không gồm vé máy bay và tiêu vặt). Tổng phí thường bao gồm: 1. Học phí; 2. Ăn, ở; 3. Bảo hiểm, ăn trưa, đưa đón đi học hàng ngày, sách vở, phí linh tính khác và 4. Phí quản lý (PH/HS cần biết đích xác những khoản phí này có thể phát sinh trong năm, gọi là tổng phí).

Một năm học tại Mỹ thường kéo dài 9,5 tháng (trường chuyên có thể kéo dài 10 tháng). Trong đó tổng các ngày nghỉ như: nghỉ đông, nghỉ xuân, Tạ ơn và các ngày nghỉ lễ chính thức…khoảng: 5-6 tuần/ năm. Tức là học sinh chỉ được học trong 8-8,5 tháng. Tuy nhiên, các trường boarding thường kéo dài kỳ nghỉ lên đến 8-10 tuần. Như vậy, HS từ các trường này chỉ có học trong 7,5 -8 tháng. Các kỳ nghỉ này, HS thường phải rời dorm và tự lo ăn ở. Nếu khoản phí này không tính toán trước, bố mẹ sẽ bị động và phát sinh thêm, ảnh hưởng đến tổng phí (phần lớn HS ở host family sẽ không tốn thêm tiền ăn ở cho các kỳ nghỉ này)

  1. Học phí
  2. Sinh hoạt phí ăn, ở (có bao gồm các kỳ nghỉ nếu ở boarding…)
  3. Phí ăn trưa
  4. Phí đưa đón/ bus/ sân bay, đưa đón đi học hàng ngày
  5. Phí bảo hiểm
  6. Phí hoạt động ngoại khóa, nếu có
  7. Các loại phí khác, nếu có
  8. Mức hỗ trợ tài chính cao nhất/ Học bổng, nếu có.

KẾT LUẬN:

- Để tìm một trường high school hoàn hảo cả 3 hạng mục trên có mức phí thấp là điều bất khả thi. Hiếm khi tôi thấy bậc học này cấp học bổng tài năng (medit scholarship) cho du học sinh. Vì vậy, các bố mẹ đừng quá “ảo tưởng” về tài năng của con mình khi nghe agent sử dụng từ này trong các buổi tư vấn. Tuy nhiên, các trường tư boarding có khá nhiều chương trình hỗ trợ tài chính (finance aid). Thực chất đây là mức…giảm giá để thu hút đủ số lượng học sinh mà trường mong muốn. Ngoài ra, đây cũng là “nghệ thuật marketing” cho nghiệp vụ tuyển sinh đáp ứng phần lớn tâm lý “mua hàng” của PH/HS các nước ở châu Á

- Phân biệt các loại phí: học phí, phí ăn ở và các loại phí linh tinh khác để hình dung về chất lượng. Ví dụ về học phí, trường có chất lượng cao sẽ có mức học phí cao. Phí ăn ở là mức khó hình dung nhất, OH/HS không dễ nắm bắt đích xác con số để lượng hóa chuyện ăn ở hay hoạt động ngoại khóa. Đây là “điểm mù” để trường giảm giá (hỗ trợ tài chính), nếu PH/HS biết cách thương lượng. Bảo hiểm, ăn trưa, xưa đưa đón luôn có sự chênh lệch giữa các trường và khu vực. Nếu PH/HS mơ hồ, có khi chúng phát sinh tăng lên 5K-10K/ năm mà không lường trước

- Thời gian kéo dài các kỳ nghỉ là một hình thức tiết giảm chi phí ăn ở và phí quản lý (trả lương cho bộ phận quản lý và nấu ăn ở boarding). Tuy nhiên, ngày nghỉ nhiều tức là học sinh sẽ…học ít lại. Liệu điều này có ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng học thuật hay không thì tôi không thể nói một chung chung mọi trường được.

- Điều cuối cùng, khi đặt 3 hạng mục trên vào thang phép so sánh cùng 3-4 trường khác, PH/HS sẽ có cái nhìn tổng quát hơn, ý tính hơn để đưa ra quyết định. Tất nhiên, các bạn phải biết mục tiêu của con mình đến Mỹ du học bậc trung học với mục điếu gì, tầm nhìn ra sao trong các năm sau. Nếu PH/HS mơ hồ điều này, thì việc lựa chọn trường trung học cũng sẽ…mơ hồ theo.

Có lẽ tất cả chúng ta đều thống nhất, để du học thành công tại Mỹ, mọi lựa chọn hay quyết định đều phải cần đến sự tỉnh táo, khôn ngoan và thông minh. May mắn có thể có, nhưng có lẽ chiếm một phần rất nhỏ và mong PH/HS đừng quá trông đợi vào phép màu của may mắn ạ.


Sep 09, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email