Chương trình Du học trao đổi văn hóa và các vấn đề liên quan

A.  Hiểu đúng về chương trình trao đổi văn hóa quốc tế

Tôi nhận thấy, lâu nay phần lớn Cha mẹ/ Phụ huynh đều hiểu…không đầy đủ về chương trình trao đổi văn hoá (hay còn gọi là giao lưu văn hoá). Thực tế có tới 5 chương trình khác nhau và có hơn 50 nước tổ chức chứ không riêng gì Mỹ.

Tôi xin tóm tắt 5 chương trình đang có dành cho HSSV Việt Nam mà Tổ chức phi lợi nhuận Youth For Understanding (yfu.org) đã triển khai nhiều năm tại Việt Nam:

  1. Trao đổi văn hóa, trải nghiệm và học thêm 1 ngoại ngữ mới: Ngoại ngữ càng biết nhiều càng tốt. Vì vậy, có nhiều bạn trẻ thông thạo 3-4 ngôn ngữ thì đây là cách thức tốt nhất để học. Vai trò của văn hóa bản xứ cũng đóng góp đáng kể vào vốn sống và từ vựng
  2. Trao đổi văn hóa và nâng cao trình độ ngoaị ngữ: Không gì nhanh nhất để thông thạo ngoại ngữ bằng cách “nhúng” mình hẳn vào môi trường văn hóa – ngôn ngữ (nước đến), trải nghiệm sống cùng gia đình bảo trợ bản xứ và học tập với trường lớp 100% học sinh bản ngữ
  3. Trao đổi văn hóa và hoàn tất chương trình PTTH: Chỉ phù hợp với học sinh nào đã cơ bản thông thạo ngôn ngữ nước đến và tham gia vào chương trình học tập tại trường trung học cùng học sinh bản xứ. Một trong những cách tốt nhất để giúp bạn trẻ chuẩn bị hành trang du học bậc đại học
  4. Trao đổi văn hóa để trải nghiệm nghề, khám phá bản thân về một lĩnh vực chuyên ngành yêu thích nhằm định hướng tài năng (hoặc năng lực) trong bạn. Ví dụ về lĩnh vực chuyên ngành yêu thích như nấu ăn, nhà hàng, làm bánh, nghệ thuật, múa, âm nhạc, thời trang, thể thao….Điều này giúp bạn trẻ xác định năng khiếu và đam mê nghề mà lựa chọn sau khi xong bậc trung học
  5. Trao đổi văn hóa và hoạt động tình nguyện quốc tế: Bạn muốn mình có một hồ sơ, lý lịch đẹp nhằm nộp đơn xét cấp học bổng hoặc chỉ muốn mình đóng góp vào sứ mệnh chia sẻ cộng đồng bằng một việc làm tình nguyện ở một quốc gia hay khu vực nào đó.

B.  Chương trình du học trao đổi văn hóa : Ai là người thích hợp ?

[Trước hết, danh xưng "Ai" trong bài viết này là học sinh chứ không phải bố mẹ, dù biết rằng số đông thành viên trong group là phụ huynh. Và đây là bài viết dài có tính chuyên môn sâu, mong mn kiên nhẫn đọc]

I- Bạn Đã Hiểu Đầy Đủ, Đúng Về Chương Trình Này Chưa?:

Một sự vật hay hiện tượng, muốn đánh giá hay lựa chọn thì trước tiên chúng ta cần hiểu đầy đủ, đúng đắn về nó. Nếu không, ắt sẽ xảy ra sai sót hoặc ngộ nhận. Đối với du học, một sai sót nhỏ có thể dẫn đến …tai hại lớn mà chúng ta không thể lường định.

Chương trình du học trao đổi văn hóa (DHTĐVH) này ra đời tại Mỹ năm 1951 bởi tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Youth For Understanding (YFU) để đưa 75 thanh thiếu niên Đức & Áo đầu tiên tham gia nhằm xoa dịu vết thương chiến tranh thế giới lần thứ 2 gây ra đối với thanh thiếu niên. Họ được sắp đặt sống cùng gia đình bảo trợ (GĐBT) bản xứ và học 1 năm tại trường công lập Mỹ. Chương trình này đã được YFU phát triển rộng khắp thế giới và hiện nay có khoảng 60 nước thành viên tham gia.

Phần lớn các nước có nền giáo dục tiên tiến đều giảng dạy theo phương pháp khai phóng và học theo tín chỉ. Họ khuyến khích bạn trẻ dưới 18 tuổi mạnh dạn bước ra khỏi "nơi ở" quen thuộc của mình (gia đình, vòng tay bố mẹ và nơi sinh sống) để bước ra thế giới khám phá văn hoá, mở rộng tầm nhìn và thay đổi nhận thức...Tuy nhiên, ở nước ta nói riêng, châu Á nói chung lại có cách nhìn khác biệt, coi trọng vấn đề học thuật hơn các hoạt động giao lưu văn hoá và hoạt động cộng đồng khai phóng bạn trẻ. Chính nhận thức này, khiến cha mẹ yêu cầu tiêu chí học thuật cao hơn trao đổi văn hóa của chương trình. Nhận thức và suy nghĩ như vầy là không theo kịp với sự tiến bộ chung của toàn cầu.

II- Có Mấy Loại Chương Trình Du Học Trao Đổi Văn Hóa Hiện Nay?:

Trước đây, do yếu tố lịch sử nên chương trình này chỉ thuần tuý là... "giao lưu văn hoá" thông thường. Tuy nhiên, nhu cầu phổ rộng của giáo dục việc làm trong thế giới phẳng, khiến cho HSSV từ nước này đến nước kia học tập và làm việc trở thành cấp thiết. Vì vậy, chương trình DHTĐVH cũng thay đổi theo. Hiện nay, có 5 loại chương trình DHTĐVH khác nhau để học sinh lựa chọn:

  1. Trao đổi văn hóa và hoàn tất chương trình PTTH: Chỉ phù hợp với học sinh nào đã cơ bản thông thạo ngôn ngữ nước đến và tham gia vào chương trình học tập tại trường trung học cùng học sinh bản xứ. Đây là cách tốt nhất để giúp bạn trẻ chuẩn bị hành trang du học bậc đại học
  2. Trao đổi văn hóa, trải nghiệm và học thêm 1 ngoại ngữ mới: Càng biết nhiều ngoại ngữ càng tốt nên chọn cách này giúp cho nhiều bạn trẻ học được đến 3-4 ngoại ngữ trong một thời gian khá ngắn. Thông qua trao đổi văn hóa và sống cùng GĐBT bản, đóng góp đáng kể vào vốn sống và từ vựng của học ngôn ngữ mới.
  3. Trao đổi văn hóa và nâng cao trình độ ngoaị ngữ: Không gì nhanh nhất để thông thạo ngoại ngữ bằng cách bằng "nhúng” mình hẳn vào môi trường văn hóa – ngôn ngữ (nước đến), trải nghiệm sống và học tập với trường lớp 100% học sinh bản ngữ
  4. Trao đổi văn hóa để trải nghiệm nghề, khám phá bản thân về một lĩnh vực chuyên ngành yêu thích nhằm định hướng tài năng (hoặc năng lực) trong bạn. Ví dụ về lĩnh vực chuyên ngành yêu thích như nấu ăn, nhà hàng, làm bánh, nghệ thuật, múa, âm nhạc, thời trang, thể thao….Điều này giúp bạn trẻ xác định năng khiếu và đam mê nghề mà lựa chọn sau khi xong bậc trung học
  5. Trao đổi văn hóa và hoạt động tình nguyện quốc tế: Bạn muốn mình có một hồ sơ, lý lịch đẹp nhằm nộp đơn xét cấp học bổng hoặc chỉ muốn mình đóng góp vào sứ mệnh chia sẻ cộng đồng bằng một việc làm tình nguyện ở một quốc gia hay khu vực nào đó.

III- Lợi Ích Của Chương Trình Du Học Trao Đổi Văn Hóa:

Rõ ràng, bất kể chương trình nào cũng đều có những mặt ưu- nhược và không thể nói tốt với tất cả mọi người. Vấn đề quan trọng nhất, là làm sao PH/HSSV đủ nhận thức mình đang có nhu cầu nào và chương trình nào phù hợp để lựa chọn. Hoặc là bạn phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, hoặc là bạn phải tìm kiếm một chuyên gia/ một đơn vị/ một tổ chức đáng tin cậy để tư vấn.

Chương trình có 4 lợi ích cốt lõi sau:

  1. Cải thiện các kỹ năng ngoại ngữ: Bạn trẻ không còn là một vị khách nữa mà đã trở thành thành viên gia đình thực sự, hòa vào cuộc sống gia đình chủ, trải nghiệm lối sống địa phương và truyền thống văn hóa ở đó. HS sẽ tự đến trường tham gia vào quá trình học tập một cách bình thường cùng HS nước sở tại, gặp gỡ thêm các bạn nước khác trên thế giới. HS sống và học tập trong một môi trường hoàn toàn xa lạ nhưng tinh khiết, nghe ngoại ngữ hàng ngày, nói, đọc và viết một cách tự nhiên. Điều đó sẽ giúp HS làm chủ khả năng ngôn ngữ tại nước mình đến giao lưu sau khi kết thúc chương trình.
  2. Tăng tính độc lập của của bạn trẻ: Theo quy định, HS sẽ sống một năm trong gia đình bảo trợ bản xứ tình nguyện. Bạn trẻ sẽ tự chăm sóc bản thân, khả năng sống độc lập, tự vượt qua khó khăn và giải quyết vấn đề của chính mình.
  3. Cải thiện khả năng học tập: Tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến của phương Tây để nâng cao chất lượng tổng thể cho học sinh, nhấn mạnh tư duy độc lập, linh hoạt trong việc sử dụng các kiến thức, trong đó cải thiện sự hiểu biết và khả năng tự học.
  4. Mở rộng tầm nhìn để trở thành công dân toàn cầu: Trong quá trình trao đổi văn hóa một học kỳ hoặc một năm học, tổ chức nước chủ nhà sẽ sắp xếp cho học sinh tham gia các chuyến tham quan ngoại khóa, thể thao, các cuộc thi, các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và mở rộng tầm nhìn.

IV- Một Số Sai Lầm Phổ Biến Khi Chọn Chương Trình Du Học Trao Đổi Văn Hóa Mỹ:

- Chương trình này là “học bổng toàn phần PTTH Mỹ” dành cho HS xuất sắc là con của bạn

- Không nắm rõ ưu và nhược của chương trình, cũng các quy định chung về hệ thống giáo dục Mỹ

- Không biết tổ chức nào sắp xếp chương trình, sắp đặt nhà host và quản lý HS suốt cả năm học

- Đơn vị tư vấn/ đại lý du học là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về chương trình này

- Không hiểu đầy đủ tiêu chuẩn lựa chọn học sinh của chương trình.

- “Đồng hoá" chương trình này với chương trình du học tự túc bởi yếu tố chi phí thấp (được tư vân là học bổng)

- Không chuẩn bị hành trang cho HS để tham gia loại chương trình như thế này

- HS không được huấn luyện (hay nói chính xác hơn là định hướng trước khi khởi hành) một cách nghiêm túc, nhằm trang bị cho HS chuẩn bị và hiểu biết đầy đủ 6 chủ đề cốt lõi:

  1. Trường học và cách học tại Mỹ;
  2. Hoà nhập văn hoá và chống sốc văn hoá ở Mỹ;
  3. Xây dựng mối quan hệ với GĐBT bản xứ và cách thức xử lý khủng hoảng nếu có;
  4. Đi lại và du lịch an toàn ở Mỹ ;
  5. Bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe và;
  6. Phân biệt chủng tộc và lạm dụng tình dục trong học đường, trong xã hội Mỹ.

Tóm lại: Chương trình du học trao đổi văn hóa quốc tế ngày nay rất khác với chương trình khởi nguồn từ 1951 và không chỉ mỗi nước Mỹ mới có chương trình này. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi của chương trình vẫn không thể mất đi. Theo tôi, chương trình này chỉ thích hợp với một số HS nhất định, chứ không thể dành cho mọi em. Khâu phỏng vấn lựa chọn và xét duyệt đòi hỏi hết sức cẩn thận. Người phỏng vấn các em phải có nhiều kinh nghiệm và đặt lợi của các em lên hàng đầu.

Chúc các bố mẹ đủ khôn ngoan và tỉnh táo lựa chọn chương trình phù hợp cho con em mình. Chương trình PHÙ HỢP với gia đình mình là chương trình TỐT NHẤT.

C.  Nói kỹ hơn về chương trình Trao đổi văn hóa Mỹ

Một số bố mẹ quan tâm về chương trình trao đổi văn hoá Mỹ nhắn tin hỏi rằng: "Làm sao để biết chính xác và đầy đủ các "điều kiện gốc" của chương trình trao đổi văn hoá Mỹ trước khi kết kết hợp đồng với Agents?"

Tôi xin giải đáp sơ bộ trước (tôi sẽ có bài viết chi tiết về ưu & nhược điểm của chương trình trong tháng 7 sau):

1. Chương trình này chỉ được cung cấp bởi các tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ hoặc quốc tế có trụ sở tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ là người cấp giấy phép cho phép các tổ chức này được thu nhập, sắp đặt HS từ khắp thế giới đến Mỹ.

2. Hiện có 63 tổ chức được phép thu nhận và xuất bản DS 2019 cho HS. Trường học tư hoặc công không được phép (khác hoàn toàn với I-20 do trường xuất bản). Vui lòng xem danh sách các tổ chức có chức năng nhận DHS trung học đến Mỹ tham gia chương trình trao đổi văn hoá Mỹ (https://www.csiet.org/j1-advisory-list)

3. Chỉ số ít là tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, tức là họ có nhiều nước thành viên, trong đó có Mỹ. Tiêu biểu có 3 tổ chức lâu đời thành lập hơn 70 năm là: AFS, CIEE và YFU. Tức là họ có đại diện tại Mỹ để tiếp nhận DHS từ nhiều nước thành viên (thuộc tổ chức của họ) gửi đến Mỹ

4. Phần lớn số còn lại chỉ là tổ chức nhỏ của Mỹ, họ nhận DHS từ nhiều nguồn khác nhau:

- Do tổ chức khác chia sẻ DHS với họ

- Do chính HS đăng ký trực tiếp với họ

- Và nguồn nhiều nhất từ các Agent/ cty dịch vụ du học (cá nhận tuyển sinh nhưng thường gọi là... đại diện không chính thức)

5. Ở nước ta, có lẽ 90% DHS tham gia chương trình này qua kênh Agent. (Trong bài viết này, tôi không nói về ưu hay nhược với lựa chọn này vì đây là quyền của PH/HS)

6. Câu trả lời (cũng là lời khuyên) để PH/HS sớm có cơ sở xem xét ký kết với chương trình là:

- PH/HS cần biết chính xác tổ chức phi lợi nhuận nào cung cấp chương trình cho mình

- Xem xét kỹ điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ giữa HS với GĐBT bản xứ (HF): chỗ này hay xảy ra khủng hoảng nhất sau này

- Đơn vị cung cấp tại Vietnam có cung cấp chương trình định hướng trước khi khởi hành không (PDO- Pre Departure Orientation). Nói nôm na là chương trình "huấn luyện" định hướng cho PH/ HS trước khi đến Mỹ. Ví dụ như: trường học, cách học, bảng điểm tốt nghiệp ở Mỹ ntn; cách thức hoà nhập và chống sốc văn hoá; cách thức xây dựng, thiết lập quan hệ và ứng xử văn hoá với GĐBT; lạm dụng tình dục và phân biệt chủng tộc tại Mỹ; bảo hiểm SK ra sao; và cuối cùng là đi lại, vé máy bay, du lịch ntn...

PH/ HS có thể vào website của tổ chức (con mình tham gia) để xem, hỏi, giải đáp...tận gốc sẽ chính xác hơn là "nghe theo người khác". Lưu ý: không phải PH nào có con đã từng tham gia trước đây sẽ am tường đâu, con họ rất ổn, nhưng không có nghĩa con mình cũng sẽ ổn. Suy diễn thế là sai.

D.  Chống sốc văn hóa đối với học sinh trao đổi văn hóa Mỹ

(20+) Hội cha mẹ du học sinh VN tại Mỹ | CHỐNG SỐC VĂN HÓA ĐỐI VỚI HS TRAO ĐỔI VĂN HÓA | Facebook

Thân gửi PH/HS tham gia chương trình trao đổi văn hoá Mỹ (J.1)

Mấy hôm nay có kha khá bố mẹ hỏi bác về chương trình này, cũng như "lửa đốt" với tình trạng chưa tìm thấy host family (HF) dù con đã đỗ visa và bắt đầu nhập học. Bác trả lời chung cho tất cả (cho bác đỡ cực gọi riêng từng người):

1. Theo quy định của Bộ Ngoại giao Mỹ, gia đình bảo trợ bản xứ (GĐBT) KHÔNG ĐƯỢC nhận bất kỳ khoản phí thực phẩm nào khi host DHS J.1. Vì vậy, nếu PH/ HS nghĩ rằng, sẽ trả tiền để họ host con mình là SAI luật pháp Mỹ ạ. Ngay cả tổ chức nhận HS đến cũng không được phép thảo luận hay đề xuất ý tưởng này

2. Việc tìm kiếm HF năm nay cực kỳ khó khăn. Lý do vì sao thì mọi người cơ bản đã biết (Bác chỉ lấy ví dụ mà bác biết tường tận nhất, bởi bác là "người trọng cuộc"). Trước covid-19, trong số 5,000 HS của 60 nước thành viên YFU toàn cầu trao đổi lẫn nhau mỗi năm thì có đến 70% đến Mỹ (tầm 3,500 HS), YFU USA vẫn lấp đầy. Nhưng năm nay thì hoàn toàn khác, YFU USA chỉ nhận tầm 600 HS mà hiện giờ cũng chỉ mới lấp đầy được hơn 90%. Tức còn gần 50 em chưa có host. Nói như vậy để thấy, tình hình kiếm HF vô cùng...căng thẳng!

3. Chương trình này cho phép học sinh nhập học muộn (đến 20/9). Vì vậy các HS chưa có HF nên kiên nhẫn chờ đến 15/9.

Có 3 trường hợp xảy ra sau:

- HF vĩnh viễn, tức sẽ có HF bảo trợ lâu dài nhận con mình

- HF tạm, tức họ nhận tạm để HS đến kịp học, sau đó tìm HF vĩnh viễn sau, có thể 1-2-3 tháng.

- Area Rep (đại diện khu vực) nhận HS đến ở cho kịp học và họ sẽ bổ sung HF sau khi hoàn tất hồ sơ HF.

4. Nếu không tìm thấy HF thì sao ? (câu này hỏi nhiều nhất):

- Theo quy định, nếu không có HF thì HS không được bay đến/ nhập cảnh Mỹ. Vé máy bay cho HS J.1 là bắt buộc vé 2 chiều. Khi nhập cảnh mà không giải trình thông tin HF đầy đủ, hải quan có thể không cho nhập cảnh (đừng dại nghe ai đó bảo cứ đi, sang đó sẽ chuyển sang F.1).

- Tổ chức nhận HS đến sẽ hoàn lại 100% phí chương trình (không hoàn phí an ninh và lệ phí phỏng vấn visa) và gửi một lá thư nói rõ lý do không tìm thấy HF

- Tổ chức đó sẽ dời/ ưu tiên tìm HF cho HS đến Mỹ kỳ mùa xuân hoặc năm sau. Nếu đến kỳ xuân thì visa không cần PV lại, dời sang mùa thu 2024 thì phải PV lại. Lưu ý, thông thường phí chương trình một học kỳ sẽ tương đương (hoặc 90%) với phí một năm (Các PH lưu ý chi tiết này và yêu cầu đơn vị dịch vụ hoàn phí đầy đủ).

5. Những HS đã có HF và đã lên đường, xin lưu ý:

Quy trình bắt buộc của Bộ NG Mỹ là tổ chức đưa/ nhận HS tham gia loại chương trình J.1 này phải thực hiện 5 lần Orientation (định hướng). Gồm:

- Định hướng trước khi khởi hành (Pre Departure Orientation: PDO)

- Định hướng khi đến (Arrive Orientation: AO)

- Định hướng giữa kỳ

- Định hướng cuối kỳ trước khi kết thúc chương trình

- Định hướng khi đã trở về nhà (Việt Nam).

6. Trong 5 lần định hướng này thì 2 định hướng đầu tiên là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, do khá nhiều tổ chức nhận HS không có văn phòng tại VN (tiếp thị qua Agent) nên họ "nhốt" chung 2 loại: PDO và AO chung 1 lần khi đến. Do nhiều lý do khác nhau, Agent tại VN không thể tổ chức được PDO, điều này (có thể) gây nên chút nhiều lo lắng và rủi ro cho HS.

Có 6 chủ đề cần training cho HS trước khi đi (PDO):

- Trường học ntn và cách học tại Mỹ

- Đi lại an toàn và quy định về du lịch tại Mỹ

- Bảo hiểm sức khoẻ, tại nạn, bồi thường tại Mỹ

- Hoà nhập văn hoá và chống sốc văn hoá

- Phân biệt chủng tộc và lạm dụng tình dụng đối với trẻ vị thành niên trong trường học và xã hội Mỹ

- Xây dựng MQH với HF và cách thức xử lý khủng hoảng nếu có

* Để tổ chức hiệu quả, ngấm sâu vào "bộ nhớ" cho các "gà son - tân sinh viên" thì training 1 buổi (trong hội trường) là chưa đủ. Thông thường sẽ tổ chức 3 ngày 2 đêm tập trung, cho cả HS và bố mẹ. Đặc biệt cần có các cựu HS và cựu PH để họ chia sẻ, thảo luận các topic thực tế, trải nghiệm người trong cuộc sẽ hay, hiểu quả hơn. Các tân HS sẽ kết nối với cựu HS kể cả sau này, để họ hỏi han khi tình huống xảy ra cụ thể cần ứng phó.

7. Quy trình truyền thông/ giao tiếp cũng cực kỳ quan trọng.

Thói quen, HS sẽ tâm sự với bố mẹ trước tiên. Đây là quy trình SAI HOÀN TOÀN và (có thể) gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng xấu.

Thông thường HS tâm sự abc mọi thứ đời sống ăn ở với bố mẹ, cả tốt và chưa tốt. Bố mẹ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm tại Mỹ và trong lúc đang nhớ con, con tim thổn thức sẽ lấn át lý trí. Các tưởng tượng khác nảy sinh và bắt đầu chất vấn Agent ở VN. Xin thưa, Agent KHÔNG được phép liên lạc với HF hay Area Rep. Vì vậy cơ bản họ khó nắm vụ việc hay tham gia xử lý, hoà giải trong mọi tình huống đâu ạ.

Sự khác biệt văn hóa, lối sống giữa HS và HF (chắc chắn rồi), nếu không biết cách xử lý thì dẫn đến xung đột và tiếp tục dẫn đến mâu thuẫn, dẫn đến đối kháng. Lúc này hoặc HS bị HF từ chối, chuyển HF khác; hoặc nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật và ER (trở về sớm trước khi kết thúc chương trình). Tôi xin gửi kèm file ảnh Quy trình truyền thông chuẩn (communicating channels) cho các mẹ tham khảo

8. Biểu đồ thích ứng và chống sốc văn hoá:

Trong 72 năm thành lập với 300,000 HS trao đổi, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích để tóm tắt bằng các quy trình, sơ đồ dễ hiểu. HS tham gia chương trình trao đổi văn hoá Mỹ (visa J.1 hay F.1 cũng vậy), năm đầu tiên sẽ trải qua 5 chặng, với từng trạng thái cảm xúc và chu kỳ time như sau;

- Chặng 1: Tuần trăng mật (các mẹ chắc chắn đã trải qua rồi. Hahaha...)

- Chặng 2: Sự bối rối, rung động không còn

- Chặng 3: Sự xung đột, sốc văn hóa

- Chặng 4: Khôi phục, hãy bắt đầu với nó

- Chặng 5: Điều chỉnh và tôi cảm thấy như đang ở nhà mình

( xem file ảnh)

Chúc tất cả HS tham gia chương trình trao đổi văn hoá Mỹ visa J1 (và cả F.1 năm đầu) may mắn, vui vẻ và tự tin vượt qua 4 bước khó khăn nói trên.

E. Nhận diện tính cách con bạn

Tôi/ YFU Vietnam đã sắp đặt cho khoảng 400 HS tham gia chương trình trao đổi văn hóa/ chương trình giáo dục trung học lựa chọn trong 27 năm qua. Tôi là người theo dõi, quản lý HS trong suốt chương trình, từ lúc lên đường cho đến khi kết thúc. Vì vậy, tôi đã nhận diện, rút tỉa ra 3 nhóm tính cách của HSSV/ bạn trẻ. Viết ra đây, hầu chia sẻ cho các bố mẹ biết mà điều chỉnh trong quá trình giáo dục, định hướng các cháu:

Nhóm 1: Biết lắng nghe, biết hỏi- thảo luận và biết điều chỉnh (chiếm khoảng 15- 20%)

Kiến thức là vô tận và sự hiểu biết của chúng ta luôn có hạn, chưa kể những gì ta biết đã thay đổi sau vài năm nếu không cập nhập. Một bạn trẻ từ 15-20 tuổi, chắc chắn kiến thức và kinh nghiệm còn khá ít ỏi. Vì vậy, việc lắng nghe, học hỏi, thảo luận và điều chỉnh bản thân là một việc làm thường xuyên và cực kỳ quan trong nếu muốn thành công. Chưa nói, khi sang Mỹ du học thì gần như mọi thứ đều mới mẻ. Ngoài chuyện học hành chuyên môn, còn các vấn đề như hòa nhập văn hóa, lối sống, ứng xử, luật pháp...v.v. Nếu không học hỏi từ những người đi trước, người có kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ sai phạm, rủi ro.

Nhóm 2: Chịu lắng nghe, thi thoảng mới hỏi, ít khi thảo luận và làm qua loa cho xong (chiếm khoảng 50- 60%)

Nhóm này khá phổ biến. Do phần lớn bố mẹ ở quê nhà cũng còn mơ hồ về văn hóa Mỹ, kiến thức ngoại ngữ giới hạn, thông tin nhặt nhãnh trên internet và điều kiện xa xôi nên khi trao đổi với con cũng không đầy đủ hoặc không đúng lúc (múi giờ khác nhau). Các bạn HSSV sau khi sang Mỹ mở mang nhiều ra và có chút "tự hào" là mình đã biết, bố mẹ ở nhà không nắm rõ hơn mình. Dù các bạn vẫn "ngoan" lắng nghe nhưng không có thảo luận gì. Gặp phải vấn đề liên quan mà ba mẹ yêu cầu gay gắt thì vẫn làm nhưng rất qua loa. Đến khi "hậu quả" ập đến sát nút mới kêu gào, cuống cuồng nhờ vả cha mẹ, người thân

Nhóm 3: Không lắng nghe, hiếm khi hỏi hay thảo luận và thích làm theo ý mình nghĩ và luôn cho mình đã hiểu biết mọi thứ (chiếm khoảng 20-30%)

Nhóm này tôi gặp không hề ít. Tôi dùng thành ngữ "chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng" để miêu tả các bạn nhóm này. Các bạn ấy nghĩ rằng, mình đi du học được là "giỏi' rồi. Điều này có phần đúng nếu so sánh với số đông nhiều bạn trẻ ở quê nhà không thể du học. Nhiều bạn học tại VN không hẳn kém mà do điều kinh tế gia đình có hạn hoặc gia đình sinh sống các tỉnh thành xa, đầu vào tiếng Anh hạn chế. Tiếng Anh chỉ là kỹ năng mềm, việc một bạn trẻ giỏi tiếng Anh không hẳn tư duy và kiến thức khác của bạn ấy cũng xuất sắc theo.

GIẢI PHÁP NÀO ĐÂY ?

Đối với nhóm 1: Gia đình nên lưu ý động viên, tạo động lực tiếp tục cho các bạn ấy. Gia đình cố gắng tìm kiếm các "kênh, mối quan hệ" tối ưu hơn để giúp các bạn ấy có thể hỏi han, học hỏi và điều chỉnh. Ví dụ như dạy con cách giao tiếp với thầy cô giáo sư ĐH, tiếp cận với Giáo sư Việt Nam tại Mỹ, kết nối với các anh chị DHS đã thành danh, "tầm sư học đạo" với người am tường hơn mình để giúp con có nơi chốn học hỏi thêm. Nhóm này sẽ dễ thành công hơn tất thảy về đường học thuật và kiếm việc làm đúng đắn tại Mỹ hoặc ngay khi về Việt Nam đúng chuyên môn.

Nhóm 2: Nhóm này cha mẹ hết sức lưu ý, dành thời gian theo dõi sát sao hơn. Nếu ba mẹ không am hiểu thì nên "thành thật" tìm kiếm người am hiểu và giúp kết nối với con ở Mỹ. Lưu ý về các nhóm bạn bè mà con đang giao du. "Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ biết bạn là ai"- thành ngữ đã nói như vậy và "lựa bạn mà chơi". Do thiếu hiểu biết, xa nhà, không ai giám sát, bạn trẻ sẽ "học hỏi" rất nhanh nhóm bạn bè lớn tuổi hơn. Nếu lỡ giao du với 1 vài anh chị hay vi phạm pháp luật thì rất dễ con mình bắt chước vi phạm theo. Ba mẹ hết sức cẩn thận và thường xuyên để mắt đến con mình. Lơ là thì chẳng mấy chốc gia nhập nhóm 3.

Nhóm 3: Nói một cách thành thật, nhóm này không nên đi du học. Nhóm này chơi nhiều hơn học mà có học thì học những thứ linh tinh ngoài xã hội chứ không chú tâm vào học thuật chuyên môn nghiệp vụ ở trường. Nhận diện rõ nhất là ở các gia đình kinh tế dư dả, nuông chiều con, ba thì bận bịu sự nghiệp, giao khoán 100% cho mẹ và mẹ rất cưng chiều. Hoăc một số bạn sức học vừa phải, tiếng Anh khiêm tốn, cố vào trường TOP rồi đuối, bơi không kịp và buông tay vui chơi, nhiều năm không về do GPA thấp sợ vướng visa. Hoặc một số bạn ban đầu thuộc nhóm 2, nhưng chơi thân với bạn xấu rồi theo bạn, kiếm được tí tiền làm chui rồi thích kiếm tiền tiêu xài hơn là vất vả sự học. Nếu bạn phát hiện con bạn nối dối với cha mẹ thì đích thực bạn ấy đã chen chân vào nhóm 3 này rồi.

Bác chia sẻ tí kinh nghiệm mà bác đã quan sát nhiều năm. Bác không nói "cụ thể" ai, con nhà ai và cũng không hề đả kích ai hết. Bác chỉ mong "vẽ" lên 3 bức tranh chung nhất để bố mẹ nhận diện về con mình mà tìm giải pháp giáo dục và quản lý hiệu quả.

F. Đôi điều tản mạn

Tôi có đôi điều mà chúng không theo một chủ đề nào, vì vậy tôi ghi là... tản mạn. Nhưng đây là những điều mà tôi nghĩ rằng, chúng rất quan trọng để chia sẻ cùng các bố mẹ (có con đang học và sắp học) trong group nhà ta:

  1. Bố mẹ vô tình gây nên áp lực tâm lý cho con: Như chúng ta được biết, chỉ những điều "quá tốt đẹp và xuất sắc" mới được "khoe và post" lên MXH. Thông thường, "độ" xuất sắc chỉ chiếm chưa quá 10%, kể cả xếp loại hay thành tích học tâp. Một khi cha mẹ đọc được điều này vô tình chia sẻ, kể chuyện cho con mình. Dù không cố ý cũng hàm chứa sự so sánh, đã vô tình tạo ra một thứ "yêu cầu hay mong đợi" con mình như trường hợp kia
  2. Tốn kém tài chính: Tiền bạc rất quan trọng, nhưng chúng ta ai cũng biết, tiền bạc không thể "mua" được kết quả trong học tập tại Mỹ. Năng lực tiếp thu kiến thức của mỗi HS phụ thuộc vào: IQ của từng em; kiến thức nền tảng đã có trước đó và cuối cùng là sự siêng năng, chăm chỉ. Mỗi đứa trẻ đều có một "IQ" khác nhau tuỳ sở trường, và vì vậy đem sự so sánh đặt trong hệ quả tiền bạc chỉ gây nên nhiều hệ luỵ tiêu cực
  3. Đi du học không phải là...bay vào mặt trăng: Đỗ visa và lên đường với dăm chục lời chúc tụng từ ông bà, chú bác, bạn bè, cha mẹ. Bước chân đến Mỹ du học sẽ đối diện với nhiều khó khăn, khác biệt và đối mặt nhiều thách thức. Đó là: xa cha mẹ, bạn bè thân thiết; học bằng ngôn ngữ mới; phương pháp học mới; thời tiết thay đổi; đồ ăn không quen thuộc; tìm và kết giao bạn bè mới; sốc văn hoá....Nếu không có một tâm lý vững vàng, hành trang chuẩn bị kỹ, sức khỏe tốt thì tất cả những điều trên sẽ biến thành "mảng xám" với bạn trẻ. Và các bạn biết rằng, hành trang "thất bại" từ cung trăng trở về sẽ không dễ dàng cho trẻ. Tiến không xong, về không được và với sức ép lưng chừng sẽ làm cho trẻ càng thêm khủng hoảng tâm lý
  4. Đặt trẻ...đúng lớp, đúng chỗ để ngồi: Ai trong chúng ta không thích con mình học trường hạng A, A+ ở Mỹ. Đừng nghĩ rằng mọi trường high school ở Mỹ đều...trung thực 100% trong xếp đặt lớp. Để học trường tốt A, A+ đòi hỏi năng lực học tập và trình độ Anh ngữ tương xứng với khối lớp đầu vào. Cha mẹ có thói quen đánh giá khả năng con mình...CAO hơn thực tế. Và đôi khi các Agent có vài lý do gì đó cũng a dua theo, sắp đặt trường hạng cao hơn khả năng của HS. Và một khi con mình ngồi...nhầm lớp, cùng với các "lực cản" (mục 3) ở trên sẽ tạo áp lực cho con. Khi bảng điểm thấp, bài học khó, tiếng Anh không nghe được, sự kỳ vọng từ gia đình, tốn kém tài chính....sẽ làm bước chân trẻ nặng nề mỗi sáng đến trường
  5. Mơ hồ văn hoá Mỹ: Ở đâu cũng có nét "văn hoá" riêng và Mỹ cũng vậy. Ba mẹ mơ hồ nên chẳng ai chia sẻ cho con biết trước, trong khi ở nhà chưa được "dạy dỗ". Ví dụ: sự trung thực, xin lỗi/ cảm ơn là cửa miệng, đúng giờ, vệ sinh cá nhân, tôn trọng tính đa văn hoá, đa sắc tộc, văn hoá bàn ăn....Đột ngột đặt con mình vào một môi trường văn hoá xa lạ và khác biệt với quê nhà (hay nhà mình). Trong khi đó không ai theo dõi, uốn nắn, điều chỉnh...Những điều này làm cho trẻ không thể hoà nhập, kết bạn và dần trở nên cô độc. Điều này có thể tác động xấu đến kết quả học tập và tâm sinh lý lâu dài
  6. "Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy": Phụ huynh quá coi trong vai trò tiền bạc mà không để tâm đến...thầy cô và nhà trường. Nếu bạn giao phó con bạn cho "tiền" và đơn vị dịch vụ du học là bạn...cầm dao đằng lưỡi. Tôi nghĩ rất khó có ai đó đang tuổi 25-35 (hoặc chưa làm cha làm mẹ) mà thấu hiểu trẻ từ 15-22. Ngay chúng ta có con trưởng thành mà chúng ta không thể hiểu hết trẻ, thì ắt sao kỳ vọng những nhà "quản trị" còn quá trẻ tuổi?. Tôi chia sẻ tính logic của vấn đề chứ không nói cụ thể một cá nhân hay đơn vị nào. Vì vậy để "quản lý" con bạn ở tận Mỹ, hoặc bạn check thật kỹ "ai" sẽ là người đáng tin cậy để theo suốt mấy năm trung học tại Mỹ của con bạn, hoặc bạn nhanh chóng liên lạc thường xuyên với Hiệu trưởng, BGH nhà trường. Tốt nhất, nếu được hãy đến tận Mỹ để kết giao, tìm hiểu. Xin đừng ngồi tại VN quá tự tin để mà phán đoán...

 

TEXVN tham khảo từ nguồn Đỗ Kim Dũng


Đỗ Kim Dũng - Oct 24, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email