6 Phương Pháp Học Tập Giúp Con Từ Lười Thành Nghiện Học

LIỆU CÓ THỂ “NGHIỆN HỌC TẬP” NHƯ GAME HAY MẠNG XÃ HỘI ĐƯỢC KHÔNG?

Không có con số cụ thể để ước tính, nhưng phần lớn bố mẹ đều biết, đối với con thì game hoặc mạng xã hội luôn có sức hút lớn hơn so với việc học..

Cất đi ipad hay điện thoại, xóa ứng dụng game, khuyên răn bằng hình thức khác, v.v. Nếu như bố mẹ đã thử làm mọi cách để có thể giảm thời lượng giải trí dài lê thê của con mà vẫn không hiệu quả, chúng ta hãy thử xoay chuyển góc nhìn xem cách mà game và mạng xã hội hoạt động như thế nào, khiến cho con em trở nên thích thú như vậy.

  Liệu những cơ chế hoạt động của game có thể áp dụng vào hình thức học tập được không? Để con thích thú việc học và nghiền ngẫm nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày như niềm yêu thích game vậy!

Trước tiên, mời bố mẹ hãy cùng em điểm qua một số đặc tính của game với bài viết của Daniel Wong – chuyên tra, tác giả nghiên cứu về học thuật và thanh thiếu niên, để hiểu rõ hơn 6 đặc điểm chính khiến trò chơi trực tuyến trở nên gây nghiện với con.

ĐẶC TÍNH CÓ THỂ KHÁC NHAU GIỮA CÁC TRÒ CHƠI, NHƯNG DƯỚI ĐÂY LÀ 6 ĐIỂM CHUNG CỦA TOP CÁC TRÒ CHƠI GÂY NGHIỆN NHẤT:

  1. Trò chơi luôn ở trong tình trạng đang diễn ra và không có điểm kết thúc cố định.
  2. Các con đang cảm thấy mình “lên level”, nghĩa là cấp bậc game con đang thăng hạng => mang đến cảm giác tiến bộ không ngừng. (Mỗi lần chơi, các con sẽ thấy được điểm, cấp độ hoặc thứ hạng của mình tăng lên).
  3. Các con được khám phá thế giới tưởng tượng và những điều bất ngờ, mới mẻ từ trò chơi, hoặc các trang mạng xã hội (ví dụ sự nổi lên gần đây của Locket, hay các ứng dụng phổ biển khác như Facebook, Instagram, Tiktok, v.v., nếu không có giới hạn, con có thể lướt hàng giờ đồng hồ bởi vì chúng luôn được cập nhật những điều mới hay ho).
  4. Các nhiệm vụ hoặc yêu cầu cần thực hiện liên quan đến tinh thần đồng đội để hoàn thành mục tiêu game. Từ đó ý thức cộng đồng sẽ phát triển khi tình bạn, tình đồng đội được gắn kết.
  5. Những nỗ lực và đóng góp của mỗi game thủ đều ảnh hưởng đến thành công của toàn đội game.
  6. Trò chơi có đủ thử thách để thu hút các con, nhưng lại không quá khó nhằn đến mức làm con nản chí, kích thích ý chí chinh phục trong con.

  Tùy vào từng đứa trẻ mà nhu cầu giải trí của con cho mục đích chơi game hay dùng mạng xã hội là gì: có thể con đạt được cảm giác thành tựu/ được công nhận, con được kết nối bạn bè online, con thích thú nhân vật và giao diện, con không sợ bị thành kiến, con muốn chia sẻ câu chuyện của mình, hoặc con muốn giải tỏa áp lực, v.v.

Tuy nhiên, mặt khác, đắm mình vào game và mạng xã hội lại mang đến nhiều tai hại phía sau hơn là những nhu cầu trước mắt của con, và con có khi cũng không ý thức được. Vậy, làm thế nào để chuyển đổi những điểm “hay ho” này của game, sang thay thế cho những điểm “chán nản” trong học tập, để con phát huy năng lực tối đa cho học thuật?

  6 CÁCH KHIẾN VIỆC HỌC TẬP TRỞ NÊN GÂY NGHIỆN NHƯ CHƠI GAME TRỰC TUYẾN

Dựa trên 6 đặc điểm thu hút của trò chơi trực tuyến được liệt kê ở trên, dưới đây là những cách mà bố mẹ và các con có thể áp dụng vào giáo dục và học tập:

1. Tập trung vào quá trình học chứ không phải “điểm cuối kỳ”

Khi đặt mục tiêu quá cao để đạt điểm tuyệt đối, lấy được bằng cấp, tốt nghiệp loại giỏi, v.v. các con sẽ không thể tận hưởng sự học của chúng một cách trọn vẹn được, bởi chúng luôn trong trạng thái lo lắng về tương lai “nếu không làm tốt thì sao?”. Không có 1 chiếc game nào thu hút mà khiến con nơm nớp lo sợ và áp lực cả.. Vì vậy, bố mẹ cố gắng đừng để con bị sợ học ạ.

Ví dụ với việc đọc sách, hãy tạo động lực cho con đọc vì sự yêu thích, đọc để giải trí và học hỏi. Bố mẹ có thể gợi ý những chủ đề sách mà con yêu thích, cùng đọc để bàn luận quan điểm và lắng nghe con, chứ không phải đặt yêu cầu 1 tháng con phải đọc bao nhiêu, hay có bao nhiêu quyển con cần hoàn thành. Khi con tích lũy quá nhiều mối liên hệ tiêu cực với việc đọc và học, sẽ rất khó để con duy trì thói quen tích cực này. Tận hưởng quá trình học, chính là đang dần tận hưởng quá trình tiếp thu tri thức cũng như sự thành tựu mà con đang tự xây dựng. Đó chính là lý tưởng của tinh thần học tập suốt đời.

2. Giúp con theo dõi sự tiến bộ của mình hàng ngày hoặc hàng tuần

Tâm lý chung chúng ta là sẽ tận hưởng cảm giác tiến bộ. Nhưng các bài kiểm tra và kỳ thi diễn ra quá ít, và phần lớn cũng chỉ mang mục đích làm bài được mấy điểm; vì thế không đem đến cho học sinh cảm giác tiến bộ, đặc biệt là đối với những học sinh vốn đã học chưa tốt => hình thành tâm lý sợ kiểm tra.

Để duy trì động lực, không chỉ riêng bố mẹ, ngay cả các con cũng cần phải có khả năng tự theo dõi tiến độ học tập của mình hàng ngày hoặc hàng tuần. Nếu chỉ thụ động nhận kết quả kiểm tra từ bố mẹ hay thầy cô, con sẽ dễ mất hứng thú. Bố mẹ có thể khuyến khích con sử dụng một số ứng dụng hay chương trình tự học để tự theo dõi mức độ tiến bộ cá nhân, chẳng hạn như Khan Academy (hay bất kỳ ứng dụng nào con thấy phù hợp), để duy trì liên tục động lực học tập tự chủ.

3. Khuyến khích các con khám phá hàng tá chủ đề mới mẻ ngoài chương trình học

Ngày xưa bố mẹ có từng trải qua tình huống các thầy cô sẽ thường giới hạn chủ đề kiểm tra cho lớp chưa ạ ^^ Đó là vì kiến thức cần dung nạp có phần dàn trải, thời lượng ở trường lại có giới hạn khó có thể đi qua hết giáo trình. Vì thế các thầy cô cũng nắm bắt tình hình để giảng dạy những phần trọng yếu. Tuy nhiên, tình huống này sẽ dễ hướng tới tâm lý học vì đạt điểm cao, và loại bỏ những phần kiến thức ‘có thể không quan trọng, nhưng lại thú vị với một số học sinh’.

Với homeschool, bố mẹ hoàn toàn chủ động trong việc nuôi dạy. Homeschool cho phép con học cá nhân hóa, rộng mở về thế giới xung quanh, đa chiều kiến thức hơn; và sự thật là, không có “giáo trình” nào trong “thế giới thực” cả. Thành công trong xã hội hiện nay thuộc về những người không ngừng học hỏi và phát triển.

Các con có thể linh hoạt khám phá các chủ đề mà chúng quan tâm, và chia sẻ, giảng giải lại cho bố mẹ về hành trình con khám phá những điều mới mẻ đó. Nếu con chịu trách nhiệm về việc học của mình theo cách này, con sẽ trở nên gắn kết hơn với sự học và yêu thích việc tiếp thu kiến thức đều đặn.

4. Khích lệ con xây dựng kỹ năng độc lập vững mạnh để đóng góp vào các công tác cộng đồng, nâng cao tinh thần làm việc nhóm

Tư duy độc lập và làm việc cá nhân có thể dễ dàng xây dựng trong quá trình homeschool. Và để giúp con hội nhập tốt hơn, mở rộng vòng tròn học hỏi từ bạn bè và những người giỏi hơn, chúng ta hãy khuyến khích con sử dụng kỹ năng cá nhân kèm với thái độ cầu tiến của mình tham gia các dự án cộng đồng, hoặc những sân chơi cho con có cơ hội làm việc nhóm.

Nhìn chung, làm việc nhóm hiệu quả có tác động đốc thúc sự yêu thích học tập và chia sẻ kiến thức của con cùng bạn bè. Trong thời đại hội nhập, làm việc nhóm cũng như hợp tác là hình thức phát triển tất yếu của xã hội. Thông qua các dự án nhóm, học sinh học được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về mặt lãnh đạo hay tương tác xã hội như giao tiếp, nói trước công chúng, tranh biện, giải quyết xung đột, v.v. góp phần mở rộng tiềm năng sự nghiệp.

5. Tạo cơ hội để con lan tỏa kiến thức và mang sức ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng.

Khuyến khích con tạo tác động có ý nghĩa nhân văn tới mọi người là một phương thức xây dựng động lực học tuyệt vời. Một vài ví dụ thực tiễn về học sinh tại trường em để khẳng định động lực học bền vững đến từ việc lan tỏa giá trị nhân văn:

- Cháu học sinh học rất giỏi và có năng lực học hiếm có, con kết nối làm việc nhóm cùng các bạn của mình để lập nên dự án dạy học miễn phí ôn thi chuyên cho các em nhỏ.

- Cháu học sinh khác học về coding, mang ngôn ngữ lập trình đến gần hơn với các em vùng sâu vùng xa, ở nơi mà các em không có nhiều điều kiện tiếp xúc với tin học và công nghệ.

- Hay cháu học sinh thành lập dự án đọc sách và môi trường, khuyến khích cộng đồng các bạn nhỏ đọc và review sách để trao tặng các hạt giống cũng như cây trồng xinh xắn, nâng cao nhận thức môi trường thông qua việc rèn luyện văn hóa đọc.

- Hoặc cháu học sinh ưu tú với tài năng nghệ thuật vượt trội, con biểu diễn âm nhạc cùng cộng đồng học sinh người Việt tại Mỹ, gây quỹ 10.000 liều vắc-xin ủng hộ đồng bào Việt Nam chống COVID-19.

Bằng cách luôn ý thức cũng như nhắc nhở bản thân về sự học hỏi, phát triển của chính mình có thể mang đến ý nghĩa nhất định cho cộng đồng, các con sẽ nhận ra rằng kiến thức và năng lực không phải để tích trữ, mà nên được chia sẻ rộng hơn.

Ngay cả khi chưa có cơ hội mang giá trị đến tập thể lớn, con hoàn toàn có thể chia sẻ đến bố mẹ và anh chị em của mình. Trong quá trình đó, tiềm thức con sẽ đồng thời cảm nhận được sự cống hiến giá trị, sự tôn trọng, sự thành tựu cũng như tinh thần trách nhiệm với mọi người để thúc đẩy năng lực học tập suốt đời.

6. Đưa ra những thử thách phù hợp với trình độ và kỹ năng của học sinh

Nếu đưa cho con một bài tập hay nhiệm vụ không đủ thách thức, con sẽ cảm thấy nhàm chán. Nhưng ngược lại, nếu nhiệm vụ quá khó, con cũng sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Đây cũng là một trong số hàng trăm lý do vì sao homeschool chưa bao giờ là con đường dễ đi đối với bố mẹ.

Các con cần giải quyết những thử thách phù hợp với trình độ kỹ năng của mình. Điều này đòi hỏi quá trình đồng hành sâu sát với con và cùng sự trợ giúp của công nghệ. Trong mảng học thuật, hiện hầu hết các ứng dụng và chương trình học được thiết kế để lập trình bài test qua sự theo dõi tiến độ học tập của con. Bố mẹ có thể tra cứu trên Internet và lựa chọn phương thức phù hợp để con thử tài học thuật qua các task.

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể thử thách con với những nhiệm vụ xoay quanh cuộc sống hàng ngày, hoặc trong lĩnh vực con yêu thích. Ví dụ: học về nút thắt lều cắm trại và thách đố con nghiên cứu kiểu thắt mới, hoặc làm lại bước thắt nút chỉ qua 1 lần quan sát. Với những nhiệm vụ nho nhỏ mà có võ này, mỗi kiến thức cần học trong cuộc sống của con dần sẽ trở nên hay ho mới mẻ để bọn trẻ không ngừng mò mẫm tìm tòi!

  Thoạt đọc qua, những phương pháp này có thể sẽ khiến bố mẹ cảm nhận rằng không thực tế hay khó áp dụng. Tuy vậy, Daniel Wong cho rằng những đề xuất này thực ra rất đơn giản và thiết thực, nhưng sẽ không dễ thực hiện. Việc xây dựng tư duy học tự chủ để bồi đắp tinh thần học tập suốt đời là một quá trình dài. Bố mẹ hãy kiên trì vun đắp và trau dồi cùng con từng chút một mỗi ngày, để các con thêm yêu hơn việc học, trau dồi kỹ năng thực học để thực tạo giá trị cho chính mình và xã hội nhé ạ!


Sep 07, 2024

457 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email