Chia sẻ của cô Phạm Nha Trang về hành trình của con cô- Phần 1

Với những bạn đang băn khoăn về homeschool, các bạn có thể đọc câu chuyện dưới đây để hình dung về những bước đi đầu tiên của 1 semi-homeschooler như thế nào.

Lúc con học tiểu học, mình chọn cho con 1 ngôi trường chỉ cách nhà 5 phút, không có bài tập về nhà. Vì thế, con có thời gian để homeschool, và học các môn năng khiếu như hiphop dance, vẽ và nhạc.

Phần 1: Phát triển năng lực tiếng Anh

Muốn homeschool bằng chương trình Mỹ, thì phải khá tiếng Anh trước. Các bạn có thể nghe ở đâu đó rằng muốn giỏi TA thì phải học từ lúc con bé xíu, phải học theo trình tự nghe nói trước, đọc viết sau, vân vân và mây mây. Điều đó không hoàn toàn sai, nhưng không phải là chân lý. Trên thực tế có nhiều phương pháp hợp lý và khoa học khác đem lại hiệu quả tốt, thậm chí tốt hơn rất nhiều. Dựa trên các nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của của trẻ, các nước Âu Mỹ đều ưu tiên học tiếng mẹ đẻ trước, và đều dạy ngôn ngữ thứ 2 trong trường học từ 7 tuổi. Và mình cũng bắt đầu từ mùa hè khi con từ lớp 1 lên lớp 2.

Thời điểm đó, con mình đã đọc thông viết thạo tiếng Việt, cầm bút chắc tay, tô màu hay viết vẽ đều rất nhanh. Điều đó đã làm tiền đề để mình triển khai nhanh các hoạt động sau:

1. Nền tảng ban đầu:

Mình lập 1 nhóm tại nhà gồm bạn của con và con của bạn mình, dạy:

Phonics: dạy nhanh bằng Oxford Phonics World và Jolly Phonics trong 2 tháng.

Ngữ pháp: sử dụng bộ sách Family and Friends. Các bộ sách EFL dạy tiếng Anh cho trẻ em nước ngoài giúp con có nền tảng ngữ pháp căn bản, làm tiền đề con nghe hiểu và đọc hiểu dễ hơn. (Bạn nào còn băn khoăn về sách EFL, xin vui lòng đọc post này: link post)

Từ vựng và đọc hiểu: Raz-kids. Raz-kid ở những level đầu rất nhàm chán, nên cần nỗ lực của cả mẹ lẫn con. Nhưng về cơ bản, thời điểm này mục tiêu chỉ là con phát âm được, đọc được các từ và câu đơn giản trong Razkids. Mình cho con tự chọn 1 vài từ mỗi ngày đẻ viết bằng nhiều loại bút màu, bút nhũ, tô vẽ các kiểu tuỳ thích.

Ngoài học theo nhóm, con tiếp tục thực hành riêng bằng các hoạt động:

Nghe hiểu: Youtube thần thánh, các kênh kể truyện online, hoạt hình và các chương trình review đồ chơi, little fox hoặc bất kỳ cái gì khiến con hứng thú. Mỗi ngày có thể xem khoảng 60 phút, xem 1 cách chủ động, con tự lựa chọn trong số các kênh mà mình đã lọc sẵn nội dung.

Nói: mình tận dụng mọi lúc mọi nơi để tương tác với con. Ví dụ đang nấu ăn, mình chỉ tay vào lọ muối nói: “Pass me the salt, please”, nói “Thanks” khi con đưa, và dạy con nói “You’re welcome” để đáp lại. Nhờ tình huống cụ thể, con sẽ hiểu ngay, và còn biết thêm từ vựng, cũng như những mẫu câu để đáp lại. Bất kỳ thời gian nào rảnh, mình hỏi con đủ thứ: môn con học ở trường, thời tiết, hỏi để con tả lại cô giáo hay bạn bè…Đôi lúc mẹ cứ hỏi tiếng Anh, con cứ trả lời tiếng Việt.

2. Tăng tốc:

Sau 3 tháng, mình bắt đầu tăng tốc nhanh bằng các phương pháp:

Mua sách: mình bắt đầu trở thành khách hàng quen của các hiệu sách ngoại văn, bắt đầu từ bộ All aboard reading, Usborne Phonics Readers, sau đó là sách puzzle, sách jizsaw và đủ loại khác. Con thích sách giấy hơn Raz-kids, hiển nhiên vì nội dung sách hay hơn nhiều (đến đây phải dừng lại nhắc, các bạn đừng mất công in sách Razkids ra giấy, vì nội dung những level đầu chỉ dùng để Learn to read (học cách đọc các từ) nên chán phèo, mà các bạn thì thường đã tốn tiền mua sách thì thường bắt con đọc đến thuộc thì thôi. Điều đó sẽ khiến trẻ đánh mất hứng thú với sách. Hứng thú, và động lực từ bên trong mới chính là điều đưa trẻ đi nhanh và đi xa. Nhấn mạnh rằng mình đã xây dựng cho con thói quen đọc sách, và yêu sách từ lúc rất nhỏ. Con mình có cuốn sách touch and feel (chạm để cảm nhận) đầu tiên từ lúc 3 tháng tuổi. Nhà mình có 1 giá sách khổng lồ, và khoảng 4 giá sách nhỏ các loại, nên từ lúc con sinh ra, con đã quen nhìn thấy sách. Để hấp dẫn trẻ, mình mua khá nhiều sách của các nhà xuất bản lớn, trong đó có rất nhiều cuốn sách cổ điển để thu hút con bằng màu sắc và cách trình bày hấp dẫn. Tuy vậy, giai đoạn learn to read này thường nội dung sách ít hấp dẫn, trừ một số rất ít, nên sách nào con cũng chỉ đọc 1~2 lần rồi bỏ. Giai đoạn này khá tốn kém, nhưng đổi lại, mình tạo được cho con thói quen nhào đến đống sách mới được ship đến nhà. Khi đọc, con có thể đoán được nội dung qua hình vẽ, từ đó lượng từ vựng và năng lực ngữ pháp phát triển rất nhanh và tự nhiên.

Bổ sung kiến thức bằng sách non fiction theo những chủ đề con quan tâm, ví dụ như Kim tự tháp Ai cập, giải phẫu cơ thể người hoặc lịch sử cướp biển. Vì đang tò mò, nên con đọc 1 lèo hết luôn quyển What’s happening to me (sách giáo dục giới tính về giai đoạn dậy thì), con biết 1 số từ oái oăm, và thắc mắc thêm cả những điều sách mới đề cập tới chút ít. Con thích ảo thuật, mình mua quyển Magic Encyclopedia. Con thích khâu, có ngay sách dạy làm Finger Puppet.

Đổi sách EFL: sau 6 tháng, mình thêm sách Oxford Discover, là 1 cuốn sách viết theo hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ. Nội dung các bài đọc hay, và cách tiếp cận theo big questions của từng bài cũng khiến trẻ phải đào sâu suy nghĩ hơn.

Mua app Farfaria: ứng dụng này có 1 điểm làm mỉnh rất thích là giọng đọc rất hay, và giao diện thần tiên. Đến mình còn mê nữa là con trẻ  App này được dùng để chơi, nên mình để con tự nghịch tuỳ thích, chọn bất kỳ truyện nào con muốn. Con đọc 1 lèo hết sạch truyện về Monster, chủ đề con rất thích. Thậm chí khi tiếng Anh mới khá lơ mơ, con vẫn đọc lên cả grade 4. Lúc này, việc học theo bộ Family and Friends và Oxford Discover trở nên rất nhanh và nhẹ nhàng.

Chơi mà học: mua thêm bộ board game Scrabble xếp chữ tiếng Anh. Game không cho tra từ điển trong khi chơi, nhưng mình lại khuyến khích con dùng từ điển, để nhân đó học thêm nhiều từ nữa.

Mua tài khoản Netflix: Mình dừng youtube hoàn toàn, chuyển sang Netflix với thời lượng 30p - 45p mỗi ngày, hoặc hết 1 bộ phim vào ngày cuối tuần. Netflix hình ảnh đẹp, âm thanh hay, tìm phim theo chủ đề dễ dàng. Mình cũng mua sound bar, để tách tiếng khỏi TV, đảm bảo được cả hình và tiếng. (Mình đã dùng Netflix trong 3 năm)

Sau khoảng 10 tháng, con mình đã bắt đầu đọc được chapter book đơn giản Horrid Henry, The Treehouse Series, My weird school, Magic school bus, Peter Rabit, v.v.. Mình mua rất nhiều bộ, mỗi bộ thường con đọc 1 lần, hoặc cùng lắm là đọc lại 1 số tình tiết con thích thêm 1 lần thứ 2. Sau đó, mình tận dụng thời gian đi đường, ăn sáng, chơi, v.v. bằng cách cho con nghe audio book (sách nói), bắt đầu từ bộ Magic Tree House (mà đến tận sau này con vẫn rất nhớ), Secret Seven, Famous Five... Nhấn mạnh là nghe 1 cách chủ động, con chủ động chọn nội dung con hứng thú, chủ động tiếp nhận từng tình tiết trong sách (nhiều đoạn chỉ nghe qua 1 lần nhưng con hứng thú quá tới độ nhắc lại 1 tràng toàn bộ những câu nói của nhân vật).

Khi mình dạy con theo lộ trình trên, con tiến nhanh và đạt được những kết quả tương đối bất ngờ. Sau 10 tháng, con đã đủ năng lực tiếng Anh để bắt đầu vào grade 1 theo chương trình Mỹ.

(Ảnh minh hoạ là 1 phần sách hồi ấy con đã/đang đọc. Còn nhiều nữa, nhưng mình ngại dọn, nên chụp thế thôi)

Link bài phần 2

TexVN tham khảo từ nguồn: Cô Phạm Nha Trang

Link bài phần 3

TexVN tham khảo từ nguồn: Cô Phạm Nha Trang

 


Jul 03, 2024

11 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email